Phản ứng cấp chính phủ Công_hàm_năm_1958_của_Thủ_tướng_Phạm_Văn_Đồng

Phía Việt Nam

Ngày 7 tháng 8 năm 1979, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về quần đảo Hoàng Saquần đảo Trường Sa, bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc trong việc công bố một số tài liệu của Việt Nam liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, nhắc lại lập trường của Việt Nam về việc giải quyết sự tranh chấp về 2 quần đảo giữa hai nước bằng thương lượng hòa bình.[15]

Ngày 23 tháng 5 năm 2014, trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu: "Công thư của cố thủ tướng là văn bản ngoại giao. Giá trị pháp lý nằm trong nội dung công thư. Việt Nam tôn trọng vấn đề 12 hải lý nêu trong công thư chứ không đề cập tới Hoàng Sa, Trường Sa vì thế đương nhiên không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa. Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi Trung Quốc lúc đó Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quản lý Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc chỉ là một bên tham gia. Không thể cho người khác cái gì mà bạn chưa có được. Vì thế công thư không có giá trị chủ quyền với Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc".[7] Cũng theo ông Hải, "Đến nay không quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa"

Phía Trung Quốc

Ngày 30 tháng 1 năm 1980, để phản ứng việc Việt Nam công bố sách trắng về chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã xuất bản một tài liệu với tên gọi "Chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa".[16][17] Trong tiểu mục với tựa "Sự man trá của chính quyền Việt Nam", tài liệu nhắc đến việc báo Nhân dân ngày 6 tháng 9 năm 1958 in toàn văn tuyên bố về hải phận của Trung Quốc ở trang đầu, trong đó có đoạn nói về Nam Sa và Tây Sa, cũng như công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.[17] Trung Quốc cũng công bố công hàm trong tài liệu và nói rằng đây là bằng chứng cho thấy chính phủ Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo. Cùng với công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tài liệu này cũng công bố một bản đồ thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam [Dân chủ Cộng hòa] xuất bản tháng 5 năm 1972 cho thấy các quần đảo này có tên Tây Sa và Nam Sa.[16][17]

Theo Trung Quốc, công hàm này và các tài liệu họ đưa ra là "các tài liệu nhà nước chính thức" và "các văn bản có hiệu lực pháp lý" mà phía Việt Nam luôn đòi hỏi để thiết lập chủ quyền lãnh thổ. Các tài liệu cho thấy cho đến năm 1974, Việt Nam vẫn công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa, và việc chính quyền Việt Nam nuốt lời và man trá là điều hoàn toàn không được phép làm dưới luật quốc tế.[17]

Nhân Vụ giàn khoan HD-981, vào ngày 20 tháng 5 năm 2014, đại diện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Indonesia, Lưu Hồng Dương, đăng bài lên báo Indonesia Jakarta Post lại mượn công hàm này để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc: "Trong tuyên bố ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa (tên của Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa) và các đảo khác ở Nam Hải (Biển Đông) là lãnh thổ Trung Quốc."

Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, có bài trả lời phỏng vấn hãng tin Đức Deutsche Welle, được đăng trên mạng cùng ngày, cũng nói: "Năm 1958, Thủ tướng Việt Nam khi đó là Phạm Văn Đồng đã công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa trong công hàm gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Hà Nội chỉ thay đổi lập trường sau khi đất nước thống nhất năm 1975. Nhưng theo nguyên tắc estoppel, Trung Quốc không tin rằng Việt Nam có thể thay đổi lập trường về vấn đề chủ quyền".[13]

Ngày 8 tháng 6 năm 2014, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố tài liệu nêu quan điểm của Trung Quốc trong vụ giàn khoan, trong đó Trung Quốc lặp lại các tài liệu như đã công bố năm 1980, đồng thời còn đưa ra một tài liệu từ sách giáo khoa môn địa lý lớp 9 phổ thông xuất bản bởi Nhà xuất bản Giáo dục tại Hà Nội năm 1974. Trong đó, bài đọc về địa lý Trung Quốc có đoạn ghi rõ: "Vòng cung đảo từ các đảo Nam sa, Tây sa, đến các đảo Hải nam, Đài loan, quần đảo Hoành bồ, Châu sơn... làm thành một bức "trường thành" bảo vệ lục địa Trung quốc".[18][19]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công_hàm_năm_1958_của_Thủ_tướng_Phạm_Văn_Đồng http://law.people.com.cn/showdetail.action?id=2556... http://vietnamese.cri.cn/481/2014/06/09/1s199588.h... http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t11632... http://www.nanhai.org.cn/en/cg_detail.asp?newsid=7... http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/bai-5-su-tha... http://www.eurasiareview.com/15052014-new-tensions... http://books.google.com/books?id=DKXRRfWtkw8C&pg=P... http://books.google.com/books?id=vY4tBfqGvZ4C&pg=P... http://www.voatiengviet.com/content/south-china-se... http://www.law.fsu.edu/library/collection/Limitsin...